Phương pháp Montessori là gì?
Được phát triển bởi Bác sĩ Maria Montessori, một nhà giáo dục vĩ đại người Italia, Phương pháp Montessori khuyến khích trẻ phát huy tính tự lập, khơi dậy niềm vui trong học tập, niềm ham thích sáng tạo và ý chí vượt qua thử thách, niềm đam mê khám phá và khả năng tự giải quyết vấn đề, phát triển tính kỷ luật và sự tự tin mạnh mẽ, giúp trẻ hình thành thói quen và tính cách tốt.
Khi xây dựng lý thuyết và thực hành, Montessori tin tưởng giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp vào nền hòa bình chung của thế giới. Bà nhận thấy nếu trẻ được tạo điều kiện phát triển theo đúng quy luật phát triển tự nhiên của mình, chúng sẽ biết cách tôn trọng hòa bình và đóng góp nhiều cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Từ những năm 1930 cho đến những năm tháng cuối đời, Montessori đã có rất nhiều các bài giảng liên quan đến chủ đề này. Quan điểm của bà là Thiết lập nền hòa bình bền vững là công việc của nền giáo dục; tất cả những gì chính trị có thể làm là giữ chúng ta không rơi vào chiến tranh. Bà đã vinh dự nhận được tổng cộng sáu đề cử cho giải Nobel Hòa bình trong ba năm 1949, 1950, và 1951.
Phương pháp Montessori được cộng đồng quốc tế công nhận, và nó đã được áp dụng thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới và hiện có hơn 100.000 trường áp dụng phương pháp Montessori. Rất nhiều nhà khoa học, chính trị gia, vĩ nhân như Larry Page and Sergey Brin (hai nhà đồng sáng lập Google), Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon), ca nhạc sỹ Taylor Swift, hoàng tử nước Anh William và rất nhiều danh nhân khác đã từng theo học phương pháp này ở những năm đầu đời.
Phương pháp Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục toàn cầu nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa những tư tưởng giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên của Rousseau, Pestalozzi, và Froebel, mang đến một nhân sinh quan hoàn toàn riêng biệt về trẻ thơ. Theo bà Maria Montessori, trẻ em từ khi mới sinh đã có sẵn một “sức sống nội tại” rất mạnh mẽ và năng động, một sức mạnh vô biên cần được kích thích. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ em phát huy được sức mạnh nội tại để có thể phát triển một cách tự nhiên và tự do.
Quá trình hình thành các năng lực cơ bản ở trẻ trong những năm đầu đời là tối quan trọng, bởi đó không đơn thuần là lĩnh hội kiến thức, mà còn là khả năng tập trung, tính bền bỉ, khả năng tư duy độc lập cũng như năng lực tương tác. Với sự hỗ trợ phù hợp trong những năm đầu đời, trẻ em sẽ trở thành những người lớn có động cơ học tập, tư duy linh hoạt sáng tạo, ý thức được nhu cầu của người khác và tích cực thúc đẩy sự hài hòa trong cuộc sống.
Chương trình Montessori có 5 lĩnh vực chính:
Thực hành cuộc sống
Trẻ được học cách tự chăm sóc, phục vụ bản thân, bảo vệ môi trường, với các hoạt động như thắt dây giày, mặc áo khoác, tự chuẩn bị đồ ăn uống đơn giản, tự đi vệ sinh và có thể dọn dẹp.
Trẻ học cách trở nên độc lập, tăng khả năng tập trung và sử dụng tốt kỹ năng vận động, học cách sử dụng nhà bếp, rửa chén, lau chùi và làm sạch đồ vật.
Trẻ chăm sóc chính mình, mọi người xung quanh và chăm sóc môi trường của trẻ. Trẻ thấy được niềm vui khi mình có ích, sự tồn tại của mình là niềm vui khi có thể cùng chung sống hoà hợp với mọi người. Trẻ nhận được thông điệp: “Thật may mắn khi có sự xuất hiện của con trong cuộc sống của mọi người”
Giác quan
Tất cả các bài học đầu tiên của trẻ đều thông qua các giác quan. Khi tiếp cận giác quan một cách riêng biệt, trẻ tăng khả năng nhận biết và độ nhạy. Tại lớp học Montessori có rất nhiều học cụ được thiết kế để hỗ trợ trẻ phát triển xúc giác, thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Đồng thời, thông qua học cụ trẻ sẽ luyện tập cho toàn bộ 5 giác quan của mình tinh tế ở mức độ cao nhất.
Ngôn ngữ
Trong môi trường Montessori, trẻ được khuyến khích thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ, và được hướng dẫn cách nhận ra mặt chữ một cách khoa học và trực quan, làm tiền đề cho khả năng đọc chữ, đánh vần, sử dụng ngữ pháp chính xác và kỹ năng viết chữ. Các bài học ngôn ngữ bắt đầu bằng những hoạt động âm thanh, dần qua nói, đến thao tác viết chữ và cuối cùng là hoạt động đọc chữ. Trẻ được khuyến khích thể hiện, bày tỏ bản thân mình bằng lời nói.
Toán học
Toán học trong lớp học Montessori được trình bày qua học cụ trực quan, giúp tất cả những khái niệm trừu tượng trở nên dễ hình dung. Trẻ được tiếp cận với hệ thập phân, hình học và thiết lập các mẫu phân tích tư duy. Ngoài ra, trẻ còn được học đếm số và các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, số thập phân và hình học đến hàng nghìn có nhớ và không có nhớ. Trẻ sẽ được học về những con số bằng những kỹ thuật trên bàn tay và sử dụng những học cụ cụ thể.
Văn hoá, khoa học
Trẻ được tìm hiểu lịch sử, địa lý, văn hoá các dân tộc trên thế giới, động vật, thời gian, lịch sử, âm nhạc, chuyển động, khoa học và kỹ thuật. Trẻ sớm nắm được các khái niệm như lục địa, quốc gia, tên các quốc gia trên thế giới thông qua việc học với các bản đồ màu cùng với các dữ kiện, hình ảnh về quốc gia đó.
Ngoài 5 lĩnh vực chính kể trên còn có các hoạt động về thể chất, khoa học xã hội, nghệ thuật, âm nhạc và chuyển động, đây là những hoạt động lồng ghép vào các hoạt động học có tác dụng kích thích việc sáng tạo của trẻ. Trẻ em phát triển sáng tạo theo ý của mình và sử dụng tốt các kỹ năng, vận động, nhận thức, sự cân bằng và nhịp điệu.
Lịch sự nhã nhặn và hoạt động bình an nội tâm và hoà bình:
Các hoạt động giúp trẻ lịch thiệp, biết hoà hợp với chính nội tâm của mình và biết cách có những mối quan hệ hoà hảo với xung quanh. Khi một em bé bình an mọi thứ xung quanh em đều toả sáng. Các em đến với thế giới trong giai đoạn não bộ phát triển không ngừng, đang cắt tỉa dần để định hình thành những căn phòng cố định trong não. Em hiểu được cảm xúc của mình, đồng nhất được nhu cầu và cảm xúc để hợp thể. Cân bằng hài hoà tâm – thân – trí giúp các em mở rộng tối đa tiềm năng học tập.
Tất cả các môn học được gắn với nhau một cách khoa học để có thể bổ sung cho nhau, hoạt động của trẻ được đặt trên tất cả. Giáo viên có một vai trò khác, là người quan sát. Trẻ chủ động trong các hoạt động và làm chủ tình hình, học qua trải nghiệm và tự tư duy giải quyết vấn đề. Học cụ và môi trường xung quanh giữ vai trò quan trọng trong quá trình trẻ lĩnh hội kiến thức. Khi đó trẻ sẽ dần trở nên chủ động trong quá trình học hỏi và phát huy hết tiềm năng của mình.
Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng và thời gian riêng của mình. Giáo viên không phải là người hướng dẫn duy nhất mà trẻ còn có thể học cách sử dụng thành thục những kỹ năng mới từ chính người thầy nội tại của mình và từ những trẻ khác. Đó là lý do vì sao lớp học Montessori được phân theo nhóm tuổi, chứ không theo từng độ tuổi. Do đó việc tổ chức các lớp học phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt, tốc độ và sự phát triển riêng của mỗi trẻ, đồng thời phải bố trí phòng học và bài học phù hợp theo những nhu cầu và mục đích của mỗi trẻ.
Montessori không thiết lập hệ thống thi đua nhưng vẫn đánh giá đúng kết quả học tập của trẻ dựa vào các kỹ năng của trẻ đạt được qua một thời điểm nhất định. Bên cạnh đó cũng nêu ra những hạn chế của trẻ để giáo viên giúp trẻ điều chỉnh.
Mục tiêu chính của Montessori là để nuôi dưỡng một niềm say mê học tập, khám phá điều mới trong mỗi lớp học; Giúp trẻ nhận thức được vai trò tích cực trong việc học của mình để củng cố thêm sự hào hứng tìm tòi, khám phá thế giới của trẻ. Để trẻ tiếp cận các tài liệu và làm việc với nhau sẽ giúp củng cố kinh nghiệm và khả năng học tập của trẻ, cũng như tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ cộng đồng trong trẻ.
Công việc của chúng tôi không phải là truyền dạy, mà là giúp đỡ trí tuệ thẩm thấu trong sự phát triển. Sẽ tuyệt diệu làm sao nếu với sự giúp đỡ của chúng tôi, nếu với việc đối xử với trẻ một cách thông minh, nếu với việc thấu hiểu nhu cầu cuộc sống thể chất và với việc nuôi dưỡng trí tuệ trẻ, chúng tôi có thể kéo dài sự hoạt động của trí tuệ thẩm thấu ấy – Maria Montessori.