Maria Montessori là ai?
“Giáo dục sớm là chìa khoá giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn.”
Tiến sĩ Maria Montessori sinh ngày 31/08/1870 tại một thị trấn ở Chiaravalle, Ý. Vượt qua những rào cản xã hội và khó khăn trong suốt quá trình học, bà liên tục nhận được học bổng và là người phụ nữ đầu tiên tại Ý tốt nghiệp ngành Y năm 1896.
Cuối năm 1896, bà làm việc tại bệnh viện ở Rome và phần lớn thời gian của bà là tiếp xúc với trẻ em nghèo.
Vì công việc, bà thường xuyên đến những khu ổ chuột ở Rome, nơi có những bệnh nhân tâm thần để nghiên cứu cách chữa trị. Bà nhận ra rằng những đứa trẻ kém phát triển ở đây bị giới hạn những hoạt động về phát triển giác quan và cử động đôi tay. Điều này đã khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Từ đó bà tìm hiểu tất cả những tài liệu liên quan đến trẻ kém trí, đặc biệt chú trọng đến công trình nghiên cứu mang tính đột phá của Jean-Marc Itard và Edouard Séguin. Itard đã phát triển một kỹ thuật giáo dục qua giác quan để sau đó Séguin thử áp dụng vào thực tế.
Việc tham gia vào Hội đồng giáo dục quốc gia dành cho trẻ kém phát triển trí não đã tạo cơ hội để bà trở thành giám đốc của trường Orthophrenic – nơi chào đón những đứa trẻ có vấn đề về trí não. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của bà Maria khi từmột nhà khoa học bà chính thức trở thành một nhà giáo dục.
Bà có 2 năm làm việc tại trường này với những thử nghiệm và hoàn thiện những học cụ mà Itard và Séguin đã tạo ra. Mỗi ngày từ 8 giờ sáng tới 7 giờ tối, bà dạy ở trường và sau đó làm việc đến tận khuya để chuẩn bị học cụ mới, ghi chép lại những quan sát của mình. Bà xem đây là khoảng thời gian quý giá mà mình có được những bằng cấp giá trị nhất trong sự nghiệp giáo dục của mình.
Cùng với những học cụ đã phát triển ở trường, bà thành lập nhà trẻ đầu tiên vào tháng 1/1907 với tên Casa dei Bambini (hay còn gọi là Ngôi nhà trẻ thơ). Bà đã tạo ra nhiều hoạt động khác nhau cho trẻ và đặt các học cụ phù hợp với trẻ vào lớp học. Bà nhận ra rằng khi trẻ được tiếp xúc với môi trường có những hoạt động được tạo ra với mục đích hỗ trợ quá trình phát triển tự nhiên của trẻ sẽ tạo ra những kết quả tích cực đáng kinh ngạc. Bà nói rằng mình không có ý định tạo nên một phương pháp giáo dục nào mà đơn giản chỉ là cho những đứa trẻ một cơ hội để chúng phát triển một cách tự nhiên nhất.
Cho đến 1908 đã có 4 nhà trẻ được mở ở Rome và 1 trường ở Milan. Những đứa trẻ nghịch phá ngày trước đã có những bước tiến rõ rệt. Những trẻ 5 tuổi bắt đầu biết đọc, biết viết. Nhiều người đã đến thăm trường để có thể trực tiếp nhìn thấy những kết quả này. Trong vòng 1 năm, khu vực cư dân nói tiếng Ý ở Thụy Sĩ bắt đầu áp dụng phương pháp của bà Maria.
Mùa hè năm 1909 bà có khóa đào tạo đầu tiên về Montessori cho khoảng 100 học viên. Những ghi chép trong giai đoạn này được bà lưu giữ lại toàn bộ trong cuốn sách đầu tiên của bà The Montessori Method. Quyển sách đứng thứ 2 trong danh sách bán chạy tại Mỹ và nhanh chóng được dịch sang 20 thứ tiếng khác nhau, trở thành tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giáo dục.
Năm 1913, bà mang con trai về Rome để sống cạnh bà. Sau đó là thời kỳ mà phương pháp Montessori được phổ biến rộng khắp thế giới. Cộng đồng Montessori, những chương trình đào tạo và trường học ngày càng phát triển. Bà Maria đã có nhiều buổi diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới – chủ yếu là ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, thế chiến thứ nhất đã làm gián đoạn kế hoạch này.
Bà Maria mong muốn thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển phương pháp Montessori dành cho lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên kế hoạch này bị cản trở bởi chủ nghĩa Phát xít ở ChâuÂu. Từ năm 1933 những bức chân dung và những quyển sách của bà bị đốt cháy. Sau khi bà Maria từ chối hợp tác với Mussolini (thủ tướng độc tài phát xít Ý) trong việc kết hợp các ngôi trường Montessori tại Ý với phong trào thanh niên theo chủ nghĩa phát xít, tất cả các trường này đã bị ông ta cho đóng cửa. Cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha buộc gia đình bà phải rời nơi đây để chuyển đến nước Anh vào mùa hè năm 1936. Sau đó gia đình bà sang Hà Lan.
Năm 1939, Maria và con trai đến Ấn Độ để thực hiện khóa đào tạo 3 tháng. Bà trải qua một mùa hè tại vùng nông thôn, nơi nhiều trải nghiệm đã hướng những suy nghĩ của bà đến bản chất của các mối quan hệ giữa những thực thể sống – trọng tâm của những nghiên cứu mà bà kiên trì theo đuổi suốt cuộc đời. Hai mẹ con bà đã tổ chức huấn luyện và đào tạo cho hàng nghìn giáo viên ở nước này.
Năm 1946 họ trở về Hà Lan. Năm 1947 khi bà 76 tuổi, bà đã đại diện cho UNESCO với chủ đề “Giáo dục và Hòa bình”. Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của bà là vào năm 1951 khi tham dự Hội nghị Montessori quốc tế lần thứ 9. Vào tháng 6/1952 bà qua đời tại Hà Lan.